“Té gấp” nếu đi phỏng vấn gặp những trường hợp này
Trong quá trình đi làm và tự vận hành Aniday, team mình đã gặp gần như tất cả các cách mà doanh nghiệp thường dùng để phỏng vấn ứng viên, như các bạn cũng biết, một số hình thức phỏng vấn rất tuyệt vời, một số thì ngược lại, thậm chí, một số còn phản tác dụng. Vậy những cách phản tác dụng là gì?
Phỏng vấn tập thể
Sẽ thế nào nếu trong cuộc phỏng vấn tập thể đó, bạn là người không hoạt ngôn? Tất nhiên là chìm nghỉm! Ai giao tiếp tốt, tự tin hơn thì nghiễm nhiên toả sáng, những người còn lại sẽ thiệt thòi. Hơn nữa, phỏng vấn với số lượng quá đông người tham gia cũng là lãng phí, vì đó là đang gián tiếp “đốt” tiền lương của họ.
Gây áp lực cho ứng viên
Một số nhà tuyển dụng cho rằng, việc cố tình gây áp lực hoặc “loại” ứng viên trong cuộc phỏng vấn là một ý kiến hay. Họ tin rằng, điều này sẽ góp phần mô tả một cách chính xác áp lực công việc nếu ứng viên được nhận sau này, cũng sự nhà tuyển dụng sẽ nhìn thấy được năng lực thực sự của ứng viên ngay lần trao đổi đầu tiên.
Thật không may, nhiều ứng viên từng nói với Aniday rằng, nếu rơi vào các cuộc phỏng vấn căng thẳng như vậy, họ sẽ không lựa chọn doanh nghiệp đó để gắn bó lâu dài. Hầu hết người trưởng thành đều có thể điều chỉnh hành vi của mình, ngay cả khi họ có thể đang bị áp lực thực sự. Các cuộc phỏng vấn mang tính tiêu cực sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm của ứng viên, ứng viên có thể cho rằng môi trường của công ty đang có vấn đề, dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như vậy.
Những ứng viên giỏi có rất nhiều lựa chọn thay thế — vậy thì tại sao doanh nghiệp lại cố tình đặt mình vào thế bất lợi?
Đưa ra các câu đố “hack” não
Hiện nay, nhiều công ty công nghệ thích đưa ra cho ứng viên những câu đố kỳ quặc rồi bắt họ trả lời. Thật không may, những câu đố hack não đó lại là những yếu tố được dự đoán là sẽ làm giảm sự thành công trong công việc (Laszlo Bock- Phó chủ tịch cấp cao phụ trách nhân sự của Google đã từng đề cập đến vấn đề này.)
Bạn có thể hỏi ứng viên các vấn đề kinh doanh hoặc kỹ thuật trong cuộc phỏng vấn, đặc biệt nếu công việc mà ứng viên apply đòi hỏi trí tuệ. Nhưng nếu bạn sử dụng chiến thuật này, hãy chắc chắn các câu hỏi đó sẽ là các loại vấn đề mà ứng viên sẽ thực sự gặp phải trong công việc.
Giao "bài tập về nhà”
Việc đưa cho ứng viên một dự án mẫu để làm vào thời gian rảnh là điều dễ hiểu. Thế nhưng, có lẽ sẽ không hay nếu phải bắt ứng viên tự phỏng vấn chính họ sau một cuộc phỏng vấn với công ty. Ngoài ra việc này cũng vô tình cướp đi cơ hội tìm hiểu về nhau của cả hai bên. Và các “bài tập” này cũng dễ bị gian lận,thậm chí được đăng trên các trang mạng xã hội.
Vậy thì cách phỏng vấn nào là tốt? Theo Aniday, đó là doanh nghiệp cần phải xây dựng được mối quan hệ cá nhân với ứng viên, hãy tìm những điểm nổi bật- cả tích cực lẫn tiêu cực trong sự nghiệp của ứng viên. Tìm hiểu những câu chuyện bên lề của ứng viên đó với sự tò mò và nhiệt tình. Hãy hỏi những câu hỏi đơn giản và kết thúc mở câu chuyện của cả hai.