Vietnam Airlines ra mắt sàn thương mại điện tử VNAMALL
Mới đây, hãng hàng không Vietnam Airlines bất ngờ thông báo ra mắt sàn thương mại điện tử mang tên VnaMall. Theo hãng hàng không quốc gia, sàn TMĐT này sẽ cung cấp hơn 300 sản phẩm độc đáo.
Các thực phẩm, nông sản đặc sản vùng miền
Ngày 22/11, Vietnam Airlines ra mắt sàn thương mại điện tử VNAMALL với hơn 300 sản phẩm mang đậm dấu ấn hàng không, cũng như tận dụng khả năng kết nối của mạng bay rộng khắp gần 100 đường bay trong và ngoài nước của hãng hàng không quốc gia.
Trên website VnaMall, các mặt hàng sẽ là hơn 300 sản phẩm từ thực phẩm, nông sản, đồ uống đến quà tặng, vật phẩm đồng thương hiệu Vietnam Airlines… Đặc biệt, khách hàng có thể đặt mua và trải nghiệm các sản phẩn “ẩm thực trên mây” như rượu vang hạng thương gia hay món tráng miệng, món ăn nhẹ của hàng không.
Trải nghiệm mua hàng của người dùng trên VnaMall
Trải nghiệm mua hàng từ khâu chọn sản phẩm đến thanh toán trên website VnaMall khá mượt mà. Tuy nhiên, hình thức giao hàng và thanh toán còn khá hạn chế. Người dùng không được lựa chọn đơn vị vận chuyển và sàn chỉ chấp nhận thanh toán qua VnPay QR hoặc Interner Bank với thẻ tín dụng, không chấp nhận thanh toán tiền mặt. Phí giao hàng khá cao, cũng không rõ đơn hàng sẽ được giao từ đâu. Ví dụ, một đơn bánh hàng giao đến địa chỉ 85 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân có phí ship 43.650 đồng.
Động thái mở sàn TMĐT được cho là nỗ lực cứu vớt hoạt động kinh doanh của hãng hàng không quốc gia, sau 2 năm thua lỗ hàng chục nghìn tỷ vì ảnh hưởng của Covid-19.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần gần 14.000 tỷ đồng và lỗ trước thuế 8.450 tỷ đồng. Doanh thu giảm 44% và số lỗ tăng 64% so với 6 tháng 2020. Đến ngày 30/6/2021, Vietnam Airlines vay nợ 34.462 tỷ đồng, gồm vay ngắn hạn 14.180 tỷ đồng và vay dài hạn 20.282 tỷ đồng. Tổng vay nợ chỉ tăng hơn 400 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng vay ngắn hạn tăng thêm gần 3.000 tỷ.
Hãng hàng không quốc gia khẳng định, việc lập sàn TMĐT VNAMALL là một trong những bước đi để đa dạng hóa ngành hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời bắt nhịp xu thế chuyển đổi số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực TMĐT. Đây được xem là nỗ lực của hãng với mục đích đa dạng hóa nguồn thu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới doanh thu vận tải hành khách của Vietnam Airlines.
Trước đó vào năm 2019, Vietjet Air đã chia sẻ về kế hoạch ra mắt một nền tảng thương mại điện tử, cung cấp các dịch vụ tài chính đến hàng tiêu dùng. Tham vọng của hãng khi đó là ứng dụng công nghệ blockchain để thực hiện các giao dịch cho sàn TMĐT này.