CEO bật mí cơn sốt game Axie Infinity không chỉ dừng lại ở Play to Earn
Đầu năm 2021, có lẽ không nhiều người biết đến sự tồn tại Axie Infinity. Bắt đầu từ mùa hè, mọi thứ thay đổi chóng mặt và nằm ngoài sức tưởng tượng của đội ngũ Sky Mavis. Game blockchain được người Việt Nam phát triển gây sốt tại nhiều quốc gia, thu hút tới 1 triệu người chơi mỗi ngày, đồng thời dẫn đầu về doanh thu giao thức bên bảng xếp hạng Token Terminal suốt nhiều tháng qua.
1. Axie Infinity và khái niệm Play to Earn
Số liệu được thống kê trên Token Terminal cho thấy Axie Infinity – một game blockchain do người Việt Nam phát triển được lấy cảm hứng từ Pokemon từng có giai đoạn tạo ra gần 500 triệu USD doanh thu luỹ kế trong 90 ngày. Song song với đó, vốn hoá của đồng AXS – đồng tiền chính được sử dụng trong game đã lên tới hàng tỷ USD.
Axie Infinity bắt đầu nổi lên trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước như một hiện tượng. Cũng từ Axie, khái niệm Play to Earn (Chơi để kiếm tiền) bắt đầu lan toả mạnh mẽ hơn. Tại Philippines, truyền thông đưa tin một số người chơi Axie Infinity có tiền mặt để mua nhà. Điều này càng làm thổi bùng lên cơn sốt tìm đến trò chơi này trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch khiến nhiều người mất việc làm và thu nhập bị ảnh hưởng.
2. Trao đổi với CEO Nhà phát triển game Axie Infinity
Trí thức trẻ có cuộc trao đổi với Nguyễn Thành Trung – Đồng sáng lập và CEO của Sky Mavis, nhà phát triển game Axie Infinity xung quanh mô hình mới này.
Doanh thu trên giao thức (protocal revenue) của Axie Infinity nằm trong nhóm dẫn đầu các dự án được xây dựng trên nền tảng blockchain trong nhiều tháng nay, lên tới hàng trăm triệu USD. Anh có thể giải thích rõ hơn về con số này?
Một game thông thường được sở hữu bởi một công ty hoặc đội ngũ phát triển. Nhưng trong một dự án blockchain, game sẽ thuộc sở hữu của cộng đồng – những người nắm giữ token liên quan đến dự án đó. Doanh thu này là doanh thu từ toàn bộ giao thức (protocal revenue), tức là tổng các hoạt động trong giao thức tạo ra.
Cụ thể doanh thu được tính như thế nào?
Doanh thu trong thế giới Axie đến từ hai nguồn chính: Thứ nhất, doanh thu phí khi người chơi thực hiện trao đổi mua bán trên chợ vật phẩm Axie, giao thức sẽ thu phí là 4,25% giá trị giao dịch.
Thứ hai, trong quá trình chơi, người chơi đem Axie đi phối giống để đẻ ra Axie con. Hành động này cũng cần trả một khoản phí như điều kiện để thực hiện.
Bắt đầu từ mùa hè năm nay, doanh thu trên giao thức và số lượng người chơi của Axie tăng lên rất mạnh. Game hiện đã vượt hơn 1 triệu người mỗi ngày. Ở góc nhìn của đội ngũ phát triển, điều gì làm cho cộng đồng chơi Axie Infinity tăng vọt như vậy?
Mình nghĩ có hai yếu tố thúc đẩy sự thành công của game.
Yếu tố khách quan, hiện nay, nhiều người có sự quan tâm đến thế giới blockchain và thế giới crypto. Điều này gây ra ảnh hưởng tích cực về số lượng người dùng và tham gia vào các dự án đang vận hành, bao gồm cả Axie Infinity.
Còn về chủ quan, ngay trước khi Axie bước vào chu kỳ tăng trưởng lớn như vậy, bọn mình có hoàn thành một vài tính năng liên quan đến game và hệ sinh thái game. Cụ thể, đội ngũ phát triển đã mang cả thế giới Axie lên Ronin – một blockchain do Sky Mavis phát triển.
Trước đó, giao thức hoạt động trên Ethereum hơi thiếu hiệu quả. Việc người chơi làm bất kỳ hành động gì trên thế giới game cần tương tác với blockchain đều cần phải trả phí, điều đó ảnh hưởng đến tính gắn kết của người chơi với game. Ngay cả người mới chơi cũng sẽ dè dặt vì gặp phải rào cản gia nhập lớn.
Bọn mình đã phần nào giải quyết được bài toán đó bằng cách đưa giao thức lên trên Ronin, qua đó tạo nên sự thay đổi đối với tốc độ phát triển của Axie.
Tuy nhiên mình nghĩ Ronin chỉ là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ, thời điểm hiện tại, bọn mình cũng không nghĩ là đã giải quyết được hết tất cả các bài toán khiến cho người dùng có thể dễ tiếp cận, dễ tương tác, và dễ chơi game hơn. Game Axie vẫn còn rất nhiều thứ phải xử lý.
Thực tế chi phí gia nhập để chơi Axie Infinity vẫn khá lớn. Chi phí mua team 3 Axie mất hàng nghìn USD, chưa kể phí giao dịch trong game 4,25% cũng là cao so với các loại hình dịch vụ khác. Tại sao người chơi vẫn bất chấp các rào cản này để gia nhập game ngày một đông đảo?
Mình muốn làm rõ hơn, blockchain Ronin chỉ giúp giảm chi phí ở khâu nền tảng mà Axie Infinity chạy trên đó, tức là còn chưa đến chi phí dành cho game.
Chi phí để mua team Axie sẽ thay đổi theo thị trường. Trước đây, có thời điểm mua một team 3 Axie chỉ có giá từ 10 – 12 USD. Lúc đó mọi người nói rất nhiều về khía cạnh game của Axie: game này chơi ra sao, cân bằng ra sao, chiến thuật là gì?
Thời gian gần đây, người chơi không chỉ quan tâm đến game mà còn quan tâm đến yếu tố kinh tế. Mình nghĩ đó chính là sự thay đổi của thị trường. Khi có nhiều người muốn tiếp cận với Axie hơn sẽ gây nên sự ảnh hưởng về giá cả. Giá cả hoàn toàn đến từ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, điều mà bọn mình khó có thể kiểm soát được.
Còn về chi phí khi giao dịch vật phẩm Axie, đây là con số được quyết định tại thời điểm ban đầu. Thời điểm đó, sự đón nhận của người chơi với game chưa nhiều, khối lượng giao dịch cũng ít. Mình nghĩ tỷ lệ như vậy là hợp lý, đủ để chi trả cho giao thức, trong đó có thể trích là một phần để bọn mình vận hành dự án.
Sau này hoạt động trao đổi mua bán trở nên rộng rãi hơn, tỷ lệ 4,25% so với các loại hình kinh doanh khác có thể cao. Mình nghĩ trong tương lai, khi game blockchain ngày càng phổ biến hơn nữa, con số này sẽ thay đổi cho phù hợp với tình hình của thị trường.
Thành phần tham gia Axie ngày càng đông đảo, rất nhiều người chơi vì yếu tố kinh tế trong game. Đồng AXS gắn với game cũng tăng trưởng rất tốt, lúc này thu hút thêm lực lượng trading đồng coin. Thị trường đồng AXS và thị trường chơi game có sự tương quan rất mạnh mẽ với nhau. Chúng ta đều biết thị trường coin có thể biến động rất mạnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Axie Infinity. Làm sao để giảm thiểu rủi ro đó?
Bọn mình đã ở trong thị trường đủ lâu để đi qua những cung bậc khác nhau.
Khi mới bắt đầu dự án Axie năm 2018, thị trường coin bắt đầu thoái trào. Thậm chí giá 1 đồng Ethereum rơi xuống mức 80 USD so với hiện nay là 3.000 USD.
Thời điểm đó, bọn mình tập trung nhiều hơn vào việc làm sản phẩm. Khi thiếu vốn, bọn mình xoay sang các phương pháp khác để huy động, đó là vốn cổ phần.
Mọi người hay nói là thời điểm thị trường đi xuống là thời điểm tốt nhất để tập trung vào sản phẩm. Không ai nói nhiều về crypto nữa. Những dự án tào lao chỉ sinh ra để lấy tiền cũng sẽ xuất hiện ít đi rất nhiều.
Đến bây giờ, đơn vị giao dịch trên chợ mua bán Axie vẫn là Ethereum, do đó việc thị trường coin lên xuống chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dự án và ảnh hưởng đến số người chơi active của Axie.
Nhưng sau tất cả, Axie vẫn là một game – một dự án mà mọi người có nhu cầu chơi và tận hưởng sự giải trí. Đó mới là giá trị cốt lõi.
Hiện tại, ngay cả khi thị trường coin lên cao, Axie vẫn cần có những tính năng mới, gameplay mới để giữ chân người chơi. Không chỉ là game, nếu nhìn nhận Axie như một phương tiện đem công nghệ đến với tất cả mọi người thì còn rất nhiều thứ bọn mình cần làm.
Như anh vừa nói, khi thị trường coin đi xuống, Sky Mavis đã phải gọi vốn từ các nguồn khác nhau. Hiện tại, khi đồng AXS của Axie và nhất là thị trường đang tăng trưởng rất tốt, vốn có còn là vấn đề với đội ngũ phát triển không?
Trước hết mọi người cần nhìn nhận Sky Mavis vẫn là một startup, mặc dù mô hình có thể hơi mới. Bọn mình xuất phát điểm từ con số 0 để xây dựng nên một business. Công ty cũng phải thành lập đội ngũ để làm việc cùng nhau, cũng phải có vốn thì mới có thể hoạt động được.
Có thời điểm bọn mình gần như hết vốn, tưởng như phải đóng cửa đến nơi. Nhưng may mắn khi đó bọn mình xoay sở được và gọi được vốn qua đầu tư cổ phần.
Hiện tại, với sự tăng trưởng của Axie, Sky Mavis đỡ gặp áp lực về vốn hơn. Nhưng tất nhiên, bọn mình cũng không biết được trong tương lai mọi thứ sẽ như thế nào.
Như mình đã nói, doanh thu là protocal revenue, tức là thuộc về giao thức, thuộc về những người nắm giữ đồng AXS.
Doanh thu đó sẽ được phân phối ra bên ngoài qua nhiều hình thức khác nhau. Một trong số đó là qua staking, những người nắm giữ đồng AXS có thể khoá token lại trong một thời gian để sau đó nhận được lợi tức. Có những người nhận được như là phần thưởng khi chơi game.
Sky Mavis là một pháp nhân tham gia vào quá trình đó. Bọn mình cũng sẽ nhận được phần tương ứng từ protocal revenue, nhưng phải mất một khoảng thời gian dài vì không phải tất cả đều được phân phối ra tiền mặt ngay lập tức.
Hiện giờ và trong tương lai, quy trình phân phối không hoàn toàn thuộc về Sky Mavis. Bọn mình cũng không có quyền quyết định để bán hết token để chuyển thành vốn cho công ty.
Phần AXS hiện Sky Mavis đang cầm khoảng 21% cũng bị khoá. Rõ ràng bọn mình phải khoá vì nếu không khoá thì công ty sẽ không còn động lực phát triển đến lúc mọi thứ ổn định. Token sẽ được mở khoá theo thời gian. Thậm chí sau khi được mở khoá hết rồi, phần đó cũng thuộc sở hữu của công ty, bọn mình phải xin xác nhận mới có thể bán được. Do đó, token không phải giống như tiền mặt mà bọn mình đang cầm trong tay.
Play to Earn là một mô hình mới ở Việt Nam. Hiện tượng Axie giống như một dự án truyền cảm hứng. Sau Axie, có thể rất nhiều kỹ sư Việt Nam lấy game hoặc ứng dụng khác trên nền tảng blockchain làm con đường phát triển. Sky Mavis đã có nhiều năm xây dựng dự án, trải qua nhiều thăng trầm, theo anh, điều gì các đội ngũ phát triển cần chú ý để không phạm phải những sai lầm?
Play to Earn thực ra chỉ là một phần nhỏ trong hệ sinh thái dự án, ngoài ra còn rất nhiều yếu tố khác. Mọi người thường nhắc đến Play to Earn bởi vì đó là thông điệp mạnh mẽ nhất, tác động trực tiếp tới khía cạnh người dùng, và là câu chuyện dễ kể hơn. Nhưng Play to Earn vẫn còn rất mới.
Sau nhiều thông tin về Axie, mọi người đều có xu hướng muốn làm game. Nhưng thực ra làm game khổ lắm, có rất nhiều thứ phải làm. Nếu chọn làm blockchain, mọi người có thể cân nhắc làm một sản phẩm khác, không nhất thiết là game.
Con đường đi còn rất dài. Bọn mình tuy là làm game nhưng cũng phải tham gia giải các bài toán về cấu trúc hệ thống bên dưới, xử lý hệ thống thanh toán, ngay cả chợ vật phẩm cũng tự làm. Đó đều là những thứ mất rất nhiều thời gian.
Mình nghĩ thị trường cần thêm một thời gian nữa để đón nhận sản phẩm, cũng như có nhiều bên muốn tham gia vào việc làm game có yếu tố kinh tế. Hiện giờ, tất cả vẫn đang hơi hưng phấn và theo trend nhiều hơn. Mình nghĩ có lên rồi cũng có xuống, lúc đó cần phải làm những thứ bền vững cho tương lai.
Nhưng Play to Earn cuối cùng chỉ là side effect (tác dụng phụ) của dự án. Cái mà bọn mình đang hướng tới ở đây là game mà người chơi thực sự sở hữu đồ đạc, vật phẩm, nhân vật trong trò chơi. Mọi người có quyền quyết định với tài sản của mình.
Xa hơn nữa, có rất nhiều chơi Axie thậm chí còn chưa có tài khoản ngân hàng. Mọi người khi chơi game có thể tiếp cận những công nghệ, những yếu tố về tài chính – ngân hàng hoàn toàn tự nhiên. Khi sử dụng sàn giao dịch để trao đổi vật phẩm trong game, mọi người sở hữu ví và biết cách dùng ví để quản lý tài sản của mình.
Đó là một trong những cái bọn mình nhìn thấy và dự định thực hiện ngay từ những ngày đầu tiên – sử dụng game như một phương tiện thúc đẩy công nghệ và đem công nghệ đến cho mọi người. Axie có khả năng mang lại sự thay đổi về xã hội mà không nhiều người nhận ra.
(Nguồn: Nhịp sống kinh tế)