Làn sóng tuyển dụng của những "ông lớn": Lao động Việt đáp ứng đến đâu?
Chuyên gia phân tích những lợi thế cũng như hạn chế của lao động trong nước trước nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp lớn ở vị trí cấp cao.
Nhiều công ty nhu cầu tuyển dụng lớn
Trên các nhóm tuyển dụng, hai hãng LG và Samsung đang tìm kiếm hàng nghìn nhân sự từ vị trí công nhân đến kỹ sư, trợ lý công nghệ thông tin.
Ngoài công nhân sản xuất, Samsung cũng đang tìm kiếm nhân sự phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển của tập đoàn. Hãng đang đầu tư 220 triệu USD để xây trung tâm R&D tại Hà Nội.
Nhà máy tại Hải Phòng của một công ty Hàn Quốc khác là LG cũng đang đẩy mạnh tuyển dụng. Các vị trí được tìm kiếm gồm công nhân, luật sư, trợ lý các vấn đề chung, trợ lý công nghệ thông tin, kỹ sư nghiên cứu và phát triển, sản xuất, sức khoẻ và an toàn công nghệ.
Bên cạnh hai "ông lớn" như hãng LG và Samsung còn nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng có nhu cầu tuyển dụng nhân sự.
Trao đổi về khả năng đáp ứng của nhân sự Việt Nam trước sự tuyển dụng của các doanh nghiệp lớn, bà Ngô Thị Ngọc Lan – Giám đốc miền Bắc Navigos Search (công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại Việt Nam) cho hay, với những doanh nghiệp mới vào thị trường Việt Nam -một thị trường đã có trên 10 năm phát triển sản xuất trong ngành điện điện tử sẽ có cơ hội tuyển những kỹ sư có kinh nghiệm và lành nghề.
Về tuyển dụng nhân sự ở những công ty có nền tảng phát triển tại Việt Nam, bà Lan đánh giá, những công ty này đã có kinh nghiệm về xây dựng và phát triển con người. Cho nên, khi mở rộng quy mô, họ thường không gặp nhiều khó khăn.
Chủ yếu các công ty này đã xây dựng cho mình chương trình phát triển nhân viên nội bộ và luôn có người kế nhiệm khi người tiền nhiệm được giao nhiệm vụ mới hoặc chuyển sang nơi làm việc khác.
Theo Giám đốc miền Bắc Navigos Search, việc tuyển mới thường chỉ tập trung vào những vị trí rất đặc thù, khó có khả năng phát triển nội bộ như quản lý an toàn, chăm sóc sức khỏe, pháp chế…
Lúc đó doanh nghiệp sẽ lựa chọn sử dụng dịch vụ tuyển dụng từ bên ngoài. "Tại các công ty lớn, việc tạo nguồn nhân sự cho tổ chức rất quan trọng nên họ luôn có những chính sách tuyển dụng các ứng viên tiềm năng"-bà Lan cho hay.
Ưu và nhược điểm của nhân sự Việt
Trừ một số vị trí cần các chuyên gia kỹ thuật cấp cao từ các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… đa số tại Việt Nam, phần liên quan tới chuyên môn công nghệ, nhất là trong những ngành như điện – điện tử, hiện các kỹ sư Việt Nam đã có thể được đào tạo, làm việc, nắm bắt và xử lý khá nhanh.
Bà Lan cho rằng: "Đặc điểm tại thị trường lao động Việt Nam là đa số chúng ta phát triển nối tiếp các công nghệ có sẵn từ nước ngoài, nên việc nắm bắt không quá khó khăn với một thị trường đã có trên 10 năm phát triển mạnh mẽ ngành sản xuất điện - điện tử".
Về kỹ năng quản lý, Giám đốc miền Bắc Navigos Search đánh giá, đối với nhiều vị trí quản lý kỹ thuật là người Việt Nam, họ vẫn gặp khó trong việc giao tiếp với nhân viên cấp dưới do có những hạn chế về kỹ năng giao tiếp.
Để khắc phục điều này, một số doanh nghiệp đã và đang bắt đầu đưa vào chương trình phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng lãnh đạo cho nhân viên của mình.
Đối với những vị trí không phải quản lý, nhất là thế hệ trẻ, họ cũng sẽ có cả những thuận lợi và những khó khăn nhất định.
"Các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ ở độ tuổi 9X, do các bạn trưởng thành trong điều kiện thuận lợi, được học hỏi sớm nên các kỹ năng mềm có xu hướng tốt hơn hẳn, ví dụ kỹ năng giao tiếp kỹ năng sử dụng công nghệ, trình độ ngoại ngữ… Tuy nhiên, trở ngại của họ la cảm tính, đôi khi thiếu kiên nhẫn và dễ bỏ cuộc" - bà Lan đánh giá.
(Nguồn: báo Lao Động)