Viết JD thế nào cho ứng viên nhìn là muốn ứng tuyển?
Theo một nghiên cứu gần đây, rất ít công ty đầu tư thời gian và công sức vào việc viết bản mô tả công việc (JD) một cách chỉn chu, hầu hết các JD đều rất máy móc và rập khuôn nhàm chán. Thế nhưng tất cả các ứng viên - dù là thụ động hay chủ động - sẽ dành thời gian đọc bản mô tả công việc của bạn tại một thời điểm nhất định trong quá trình tuyển dụng. Vậy tại sao nhà tuyển dụng lại không đầu tư một chiến lược vào soạn thảo JD để thu hút và duy trì sự chú ý của những ứng viên mà bạn thực sự đang theo đuổi?
Dưới đây là sáu ví dụ về bản mô tả công việc có đầu tư kỹ lưỡng cho bạn tham khảo.
1. Lược bỏ các đoạn văn dài dòng về thông tin hồ sơ công ty
Nhiều công ty bắt đầu bản mô tả công việc bằng một bản soạn sẵn những gạch đầu dòng lý thuyết để giới thiệu công ty. Nhưng rõ ràng rằng mỗi công ty đều có một Trang Nghề nghiệp và Trang Công ty trên LinkedIn, các ứng viên hoàn toàn có thể tìm hiểu về công ty của bạn ở đó nếu họ thực sự muốn khám phá thêm về công ty, vì vậy hãy trình bày tổng quan về công ty một cách ngắn gọn và nếu được, hãy cân nhắc chuyển nó đến một vị trí ít nổi bật hơn trong tin tuyển dụng của bạn.
Zappos, nhà bán lẻ giày và quần áo trực tuyến của Mỹ, soạn thảo JD trên tinh thần lấy ứng viên làm trung tâm, tập trung vào những lý do khiến ứng viên có cảm giác muốn làm việc ở đó trước khi họ tìm hiểu sâu hơn về yêu cầu công việc. Điều này bao gồm:
- Một câu nói ngắn gọn về sự đa dạng và hòa nhập trong môi trường làm việc
- Thông tin về văn hóa công ty
- Quyền lợi và đặc quyền của nhân viên
Phần Giới thiệu về công ty nên được tích hợp trong một thanh công cụ (có khả năng được mở rộng) để ứng viên có thể tìm hiểu thêm về công ty nếu họ thực sự muốn.
2. Tuyệt đối không sử dụng buzzwords và liệt kê các yêu cầu công việc không cần thiết
Sử dụng những mẫu câu viết đơn giản và sáng nghĩa. Mỗi đoạn nội dung nhỏ đều nên có tiêu đề rõ ràng và sử dụng dấu đầu dòng phù hợp để ứng viên dễ dàng đọc và theo dõi. Rút lại danh sách các yêu cầu của bạn để chỉ ra những yêu cầu thực sự cần thiết để thực hiện tốt công việc. Ngoài ra, nếu công ty cần các yêu cầu về pháp lý, hãy tách chúng ra và để ở cuối.
JD của công ty Red Bull ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề bằng một danh sách ngắn gọn các yêu cầu về kỹ năng và trình độ cần thiết cho công việc. Ứng viên sẽ không phải căng mắt mò mẫm đọc những khối văn bản dài chứa đựng vô số biệt ngữ khó hiểu — điều này lại càng quan trọng hơn khi các ứng viên ngày nay hầu hết đọc mô tả công việc trên điện thoại thay vì trên máy tính. Viết JD dài dòng và nhàm chán thì quá dễ, giữ chúng ngắn gọn và vào vấn đề mới thể hiện sự đầu tư công sức của nhà tuyển dụng.
3. Thay cụm từ “ứng viên lý tưởng” bằng từ “bạn”
Cho dù tính chất văn hóa công ty bạn là nghiêm túc hay thoải mái thì đích đến của những JD này chỉ có duy nhất là ứng viên, vì vậy, hãy viết như thể bạn đang nói chuyện với họ.
Công ty GitLab (Mỹ) trình bày chi tiết các yêu cầu và trách nhiệm công việc của họ như thể họ đang thảo luận công việc với chính những nhân viên thân thuộc của họ. Ví dụ: “Là Giám đốc thiết kế sản phẩm tại GitLab, bạn sẽ chịu trách nhiệm quản lý một nhóm gồm tối đa 5 Chuyên gia thiết kế sản phẩm.” Cách tiếp cận này cho phép người tìm việc hình dung chính họ trong vai trò này nhằm đưa ra quyết định xem vị trí này có phù hợp với họ hay không.
4. Sử dụng các tiêu đề phụ hấp dẫn
Hãy hạn chế tối đa việc sử dụng các tiêu đề mô tả công việc tiêu chuẩn như “Yêu cầu kỹ năng” và “Nhiệm vụ công việc” vì chúng đã quá cũ. Nhà tuyển dụng nên “thổi hồn” vào các tiêu đề phụ để chúng thu hút các ứng viên và giữ họ không rời mắt khỏi tin tuyển dụng của bạn đủ lâu sau đó quyết định ứng tuyển. Các tiêu đề phụ có thể đơn giản nhưng lại hiệu quả như “Bạn sẽ rất giỏi khi làm việc này” hoặc “Chúng tôi mong đợi điều gì ở bạn”.
Tập đoàn đa khoa sinh học đa quốc gia Amgen (Mỹ), sử dụng các tiêu đề phụ như “LIVE” để giải thích vai trò, “WIN” để chia sẻ các tiêu chuẩn cơ bản và ưu tiên cần thiết cho công việc, và “THRIVE” để liệt kê một số lợi ích và đặc quyền dành cho nhân viên của họ. Nhưng không dừng lại ở đó, lời kêu gọi hành động của họ là “Hãy ứng tuyển ngay hôm nay vì một cơ hội nghề nghiệp thách thức trí sáng tạo của bạn.” Câu nói này chắc chắn sẽ nổi bật và thu hút những ứng viên ngay lập tức bởi vì họ đã quá nhàm chán khi nhìn thấy hàng loạt tiêu đề cơ bản giống hệt nhau trong mọi tin tuyển dụng khác.
5. Mô tả cụ thể một ngày làm việc tại công ty
Gần một phần ba (30%) người lao động đã rời bỏ công việc trong vòng 90 ngày đầu tiên kể từ khi bắt đầu làm việc và 41% trong số họ rời đi vì công việc hàng ngày không giống như mong đợi. Mục tiêu của việc soạn thảo JD chỉnh chu là để ứng viên phù hợp bị thu hút sau đó ứng tuyển ngay và hạn chế tối đa việc mất thời gian với ứng viên không phù hợp. Vẽ một bức tranh sống động về những công việc cần thực hiện trong một ngày một cách chi tiết sẽ giúp các ứng viên dễ hình dung và sắp xếp công việc hợp lý.
Tập đoàn phần mềm Litera (Mỹ) nhấn mạnh “một ngày làm việc” cụ thể của nhân viên đồng thời đề cập đến quá trình những ứng viên mới sẽ tiến bộ như thế nào trong vai trò của họ trong sáu tháng đầu tiên. Trong JD có trình bày cụ thể rằng một nhân viên chăm sóc khách hàng giỏi là người sẽ “làm việc với nhiều kiểu khách hàng từ đơn giản đến phức tạp” và cần “khắc phục sự cố một cách độc lập”. Những minh họa về vai trò này có thể giúp mỗi người tìm việc hiểu rõ về công việc ở đó sẽ như thế nào và xác định xem cơ hội này có phù hợp lâu dài với họ hay không.
6. Thảo luận với ứng viên về các vấn đề và dự án liên quan đến công việc.
Những ứng viên giỏi luôn muốn tạo ra những ảnh hưởng tích cực và bên cạnh đó, họ cũng không ngại đương đầu với thử thách, vì thế nhà tuyển dụng nên cụ thể hóa tối đa những dự án mà mình chuẩn bị triển khai để ứng viên có thể chung tay góp sức.
Save the Children, tên tiếng Việt là Tổ chức Cứu Trợ Trẻ em là một tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn nhất hoạt động vì trẻ em trên thế giới, chia sẻ chi tiết các dự án mà họ sẽ thực hiện liên quan đến tính đa dạng, công bằng và hòa nhập đồng thời lên kế hoạch phân bổ bao nhiêu thời gian cho từng dự án. Bản mô tả công việc đã nêu rõ ràng rằng đây là vai trò có tính chất hỗ trợ, tác động đến nhiều bộ phận liên quan đến nhân sự, bao gồm cả quá trình nhận việc, học tập và phát triển cũng như các nhóm nhân viên có mối quan hệ thân thiết. Rõ ràng là cần phải có “cam kết thúc đẩy và duy trì một môi trường đa dạng, hòa nhập và gắn bó”, nhưng kinh nghiệm trước đây về DEI thì không. Điều này có thể giúp họ tìm được ứng viên mới bắt đầu có động lực để thành công.
DEI (Diversity, Equity & Inclusion) là viết tắt của sự đa dạng, công bằng và hòa nhập. DEI là một nguyên tắc dùng để ràng buộc bất kỳ chính sách hoặc thông lệ nào được tạo ra cũng phải khiến mọi người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau cảm thấy được chào đón và đảm bảo được hỗ trợ tốt nhất để thực hiện hết khả năng của mình tại nơi làm việc. Tính đa dạng đề cập đến sự hiện diện của sự khác biệt trong một bối cảnh nhất định; tại nơi làm việc, điều đó có thể có nghĩa là sự khác biệt về chủng tộc, dân tộc, giới tính, bản dạng giới, khuynh hướng tình dục, tuổi tác và nền tảng kinh tế xã hội. Công bằng là hành động đảm bảo rằng các quy trình và chương trình là vô tư, công bằng và mang lại kết quả bình đẳng cho mọi cá nhân. Hòa nhập là hành động làm cho mọi người cảm thấy thân thuộc tại nơi làm việc.
Kết: Hãy sáng tạo các JD mang chất riêng phù hợp với mục tiêu tuyển dụng của công ty
Bản mô tả công việc tốt nhất sẽ là bản mô tả công việc giúp bạn thu hút và sỡ hữu nhân tài phù hợp với vị trí cần tuyển dụng. Tham khảo các ví dụ nêu trên và từ đó truyền cảm hứng cho các bản mô tả công việc sáng tạo của riêng bạn để tạo ra những tin tuyển dụng hấp dẫn nhất.
(Theo LinkedIn)