Làm tuyển dụng 3 năm nhưng bạn đã biết làm cách nào để thu hút ứng viên nhất hay chưa?
Có một câu nói rất hay: “Ấn tượng đầu tiên là thứ vô cùng quan trọng, nếu ví với việc dệt vải, thì ấn tượng đầu tiên quan trọng không kém gì những đường đan đầu tiên.”
Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng, thì việc tạo ấn tượng lại còn quan trọng hơn gấp bội. Xét cho cùng, các nhà tuyển dụng đang kinh doanh về ấn tượng đầu tiên với ứng viên tiềm năng —sau đó thu thập, phân tích, đồng thời truyền tải chúng.
Có một cụm từ khá phổ biến gần đây - “green flag” - những mặt/điểm tích cực mà chúng ta nên cố gắng xây dựng trong bất kì mối quan hệ nào.
Trong một bài đăng gần đây trên LinkedIn, Daniela (Dani) Herrera, trưởng bộ phận tuyển dụng và đảm bảo sự đa dạng chủng tộc ở New York đã đưa ra danh sách những lá cờ xanh của riêng mình, cũng như gợi ý cho ứng viên biết rằng “đây là một môi trường an toàn, thân thiện, hòa nhập”.
Dưới đây là bốn cờ xanh chính mà nhà tuyển dụng nên cố gắng đạt được trong quá trình tuyển dụng của mình, cùng với một loạt những lá cờ xanh khác được ứng viên yêu thích.
1. Mô tả công việc rõ ràng và không sử dụng biệt ngữ
Hãy xem bản mô tả công việc (JD) là cánh cửa chính dẫn ứng viên đến vị trí mà bạn đang tuyển dụng, vì thế nó phải được trình bày một cách rõ ràng và dễ hiểu. Một JD dễ đọc, dễ hiểu cũng góp phần thể hiện rằng công ty bạn coi trọng ứng viên và chỉnh chu trong quá trình tuyển dụng.
Năm ngoái, nền tảng thiết kế đồ họa Canva đã thực hiện một nghiên cứu phân tích hàng triệu tin tuyển dụng trong nhiều ngành và phát hiện ra rằng 38% tin tuyển dụng trong số đó chứa các từ và cụm từ khó hiểu, trong đó bao gồm cả những người chưa có kinh nghiệm và đã có kinh nghiệm tuyển dụng.
Một nghiên cứu khác cho thấy hai phần ba (66%) ứng viên từ 16 đến 24 tuổi nhận thấy từ ngữ chuyên ngành rất khó hiểu và không hữu ích trong việc giúp ứng viên hiểu rõ vị trí mà họ đang ứng tuyển.
2. Chính sách lương thưởng rõ ràng và minh bạch
Một nhân viên văn phòng ở Boston (Mỹ) chia sẻ: “Cờ xanh yêu thích của ứng viên là việc nhà tuyển dụng đưa ra một khung lương cụ thể trong phần mô tả công việc, nhưng không đặt câu hỏi về mức lương kỳ vọng trong cuộc phỏng vấn trực tiếp. Các công ty phải đủ nhạy bén để đánh giá xem bằng cấp và kinh nghiệm của ứng viên phù hợp với nhu cầu của họ như thế nào và công ty nên chi bao nhiêu để đạt được điều đó.”
Meg Boberg, một chuyên viên content ở thành phố Des Moines (Mỹ), nói cụ thể hơn: “Điều này nên được trao đổi kỹ càng trong cuộc gọi điện thoại đầu tiên giữa ứng viên với nhà tuyển dụng và/hoặc người quản lý tuyển dụng. Sẽ hoàn toàn lãng phí thời gian khi hai bên trải qua nhiều cuộc phỏng vấn chỉ để cuối cùng biết được rằng công ty sẽ không đáp ứng được kỳ vọng về mức lương của ứng viên.”
Một ưu điểm khác của tính minh bạch trong chính sách lương thưởng đó là điều này báo hiệu rằng công ty cam kết trả lương một cách công bằng. Tại Mỹ, các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ và nhóm dân số thiểu số được trả lương thấp hơn nam giới da trắng ở cùng vị trí. Việc công khai các mức lương, như một số tiểu bang hiện đang yêu cầu các công ty thực hiện, là một bước quan trọng để thu hẹp khoảng cách đó.
3. Cuộc phỏng vấn nên giống như một cuộc trò chuyện, không nên biến nó thành một cuộc thẩm vấn
Nhà tuyển dụng cần chuẩn bị sẵn một danh sách các câu hỏi cho cuộc phỏng vấn để chắc chắn rằng không có câu hỏi nào khiến ứng viên cảm thấy ngượng ngùng khi trả lời. Các ứng viên cho biết họ cảm thấy thoải mái khi cuộc phỏng vấn không chỉ nói về các mục tiêu kinh doanh ngắn hạn của công ty.
Một ứng viên nói với hãng thông tấn Buzzfeed rằng, một trong những cờ xanh được yêu thích là việc người phỏng vấn chia sẻ điều gì đó về cá nhân họ, chẳng hạn như sở thích của họ và đồng thời hỏi về sở thích của ứng viên. “Điều đó cho thấy nhà tuyển dụng quan tâm đến ứng viên với tư cách là một con người” chứ không chỉ là một vị trí cần được lấp đầy.
Bên cạnh đó, điều quan trọng không kém đó là những ai nên có mặt trong cuộc phỏng vấn. Nhiều ứng viên nói rằng họ đánh giá cao công ty khi có cả nhân viên không phải cấp cao trong cuộc phỏng vấn, một dấu hiệu tốt cho thấy công ty đánh giá cao ý kiến đóng góp của những người không đứng đầu công ty.
4. Nhà tuyển dụng cập nhật kịp thời kết quả quá trình tuyển dụng
Chờ đợi để nhận được phản hồi về một công việc có thể khiến ứng viên có tâm trạng khó chịu, đặc biệt là khi họ đang trong giai đoạn phỏng vấn dày đặc. Marcia Vélez Romero, một nhà quản lý sự kiện của công ty ở Thành phố Mexico, đánh giá cao các nhà tuyển dụng có động thái gửi thông tin cập nhật hàng tuần và “cung cấp phản hồi trong từng bước của quy trình tuyển dụng”.
Đơn giản bằng việc phác thảo quy trình tuyển dụng cụ thể ngay từ đầu đã là một cờ xanh rất lớn cho nhà tuyển dụng. Nina Berman cho Fractured Atlas- một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp các công cụ kinh doanh cho các nghệ sĩ, nói rằng: “Điều đó giúp ứng viên nắm rõ và theo dõi kịp thời những bước tiếp theo mà họ cũng như công ty sắp tiến hành” .
Nina nói: “Nếu không có ý thức rõ ràng về quy trình phỏng vấn sẽ như thế nào, bạn có thể cảm thấy như mình đang “ném” đơn xin việc một cách không chủ đích và hoang mang lo lắng không biết phải làm gì tiếp theo sau buổi phỏng vấn.”
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi bạn nhận được lời chấp nhận ứng tuyển từ phía công ty? Những cờ xanh có nên được “gấp lại và cất đi”?
Trả lời bài đăng của Daniela, Brittney “Bee” Fells , một giám đốc tiếp thị ở Cleveland, chia sẻ rằng một trong những cờ xanh tốt nhất mà cô ấy từng trải qua là một lá thư mời làm việc với lời giải thích lý do tại sao công ty chọn cô ấy và lên kế hoạch trả lương cho cô một cách phù hợp. “Tôi cảm thấy mình có giá trị với tư cách là một ứng viên và được đánh giá cao vì đã dành thời gian cho công ty, điều đó khiến việc chấp nhận lời đề nghị trở nên dễ dàng hơn.” cô ấy viết.
Dưới đây là 18 cờ xanh khác mà ứng viên yêu thích
1. Trang web của công ty dễ dàng truy cập, thân thiện với người dùng.
2. Nhà tuyển dụng phát âm đúng tên của ứng viên — hoặc nếu không biết, họ sẽ hỏi ứng viên trước.
3. Các cơ hội học tập, phát triển và con đường sự nghiệp được vạch ra rõ ràng trong cuộc phỏng vấn.
4. Nhà tuyển dụng cung cấp phụ đề trong các cuộc gọi Zoom.
5. Nhà tuyển dụng đưa ra các ví dụ về tính lưu động nội bộ.
6. Nhà tuyển dụng khuyến khích ứng viên gặp gỡ những nhân viên khác trong nhóm.
7. Nhà tuyển dụng tôn trọng thời gian của ứng viên.
8. Nhà tuyển dụng nói chuyện trực tiếp với nhân viên lễ tân.
9. Quá trình tuyển dụng luôn được đồng bộ.
10. Nhà tuyển dụng dẫn ứng viên tham quan một chuyến không gian làm việc.
11. Nhà tuyển dụng minh bạch về lý do tại sao người tiền nhiệm của ứng viên rời bỏ vị trí công việc.
12. Nhà tuyển dụng trung thực về việc mất bao lâu để hòa nhập và bắt kịp tiến độ công việc.
13. Thư mời nhận việc rõ ràng và chi tiết.
14. Nhà tuyển dụng thành thật về những khó khăn và thách thức của công việc.
15. Nhà tuyển dụng gửi cho ứng viên một tin nhắn ngay sau khi bạn gửi sơ yếu lý lịch, cảm ơn và thông báo rằng sẽ có người liên hệ với bạn ngay.
16. Nhà tuyển dụng quan tâm đến đời sống cá nhân của ứng viên.
17. Công ty có “trang văn hóa” (Career Page trên LinkedIn)- nơi ứng viên có thể tìm hiểu thêm về đời sống tổ chức hàng ngày của công ty.
18. Tất cả những cờ xanh nêu trên kèm theo một nụ cười 😃!
(Theo LinkedIn)