CEO của GitLab sở hữu tài sản 2,8 tỷ USD nhờ 100% nhân viên làm việc từ xa
1. Sức tăng trưởng mạnh mẽ của GitLab
Ngay cả trong thế giới phát triển phần mềm như vũ bão, GitLab vẫn trở nên nổi bật.
Công ty không có trụ sở chính và cứ vào ngày 22 mỗi tháng lại cho ra đời phiên bản phần mềm mới trong hơn 9 năm và công khai toàn bộ sổ tay công ty - với đầy đủ các chi tiết về chiến lược của công ty - trực tuyến, miễn phí cho mọi người đọc và đóng góp.
Đó là những nét khác biệt mà Giám đốc điều hành của GitLab, Sytse “Sid” Sijbrandij, một nhà phát triển web người Hà Lan đã làm với công ty của mình. Sytse bắt đầu nghiên cứu mô hình kinh doanh dựa trên các công cụ lập trình mã nguồn mở vào năm 2012. Hôm thứ năm, công ty bắt đầu những giao dịch đầu tiên tại New York sau khi định giá ban đầu cho lần chào bán ra công chúng hôm 13/10 ở mức 77 USD/cổ phiếu.
Bộ công cụ của GitLab giúp các nhà phát triển lập kế hoạch, xây dựng và bảo mật phần mềm thông qua một nền tảng mã nguồn mở. Cổ phiếu công ty này tăng mạnh sau IPO giúp CEO Sytse “Sid” Sijbrandij sở hữu tài sản 2,8 tỷ USD. Sijbrandij sở hữu 18% cổ phần của công ty và đã bán gần 2 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán. Các cổ đông khác bao gồm Khosla Ventures và Iconiq Capital.
Doanh thu của GitLab tăng vọt 87% lên 152,2 triệu USD trong năm kết thúc vào tháng 1/2021, một phần được thúc đẩy trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gấp rút chuyển đổi sang các hình thức làm việc trực tuyến nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch.
Giám đốc điều hành của GitLab, Sytse “Sid” Sijbrandij.
Sijbrandij đã xây dựng doanh nghiệp nhiều năm trước khi đại dịch Covid 19 bùng nổ và đưa nó trở thành công ty hàng đầu. Bộ công cụ của GitLab giúp các nhà phát triển lập kế hoạch, xây dựng và bảo mật phần mềm thông qua một nền tảng mã nguồn mở.
“Sứ mệnh của GitLab là đảm bảo tất cả mọi người đều có thể đóng góp", Sijbrandij, 42 tuổi, viết trong một bức thư có trong bản cáo bạch của công ty: “Khi tất cả mọi người đều có thể đóng góp, kể cả người dùng cũng trở thành người đóng góp và rồi tốc độ đổi mới của chúng tôi sẽ tăng đáng kể”.
2. GitLab và Mô hình làm việc từ xa
GitLab có trụ sở hợp pháp tại San Francisco, tuy nhiên hơn 1.500 nhân viên với nhiều quốc tịch và nơi ở khác nhau nhưng điểm chung là đều làm việc từ xa 100% và điều này diễn ra ngay từ khi công ty mới thành lập. Website công ty cho thấy sự đa dạng về quốc tịch và nơi ở - làm việc của nhân viên từ Wailuku, Hawaii, đến Novosibirsk ở Siberia. Sijbrandij trở thành vị CEO “nổi bật” trong thời kỳ đại dịch như một người ủng hộ việc làm việc tại nhà. Remote Work Playbook của GitLab, một phần phụ của sổ tay công ty đã đưa ra "một quan điểm sâu sắc về việc tạo và duy trì một công ty phân nhánh".
Ngay cả câu chuyện nguồn gốc của GitLab cũng có yếu tố làm việc từ xa. Công ty được thành lập bởi hai kỹ sư phần mềm người Ukraine, Dmitriy Zaporozhets và Valery Sizov. Họ cố gắng phát triển một công cụ giúp các đồng nghiệp dễ dàng phối hợp công việc với nhau.
3. Khởi điểm của GitLab
Zaporozhets vào thời điểm đó đang làm việc tại nhà ở Ukraine, nơi thiếu nước sinh hoạt. Sijbrandij tình cờ tìm thấy trang web khi anh đang ở Hà Lan vào năm 2012. Thời điểm này, vị CEO đang là một nhà phát triển phần mềm. Ấn tượng với sản phẩm trên, Sijbrandij đã tham gia cùng và bộ ba sớm bắt đầu cung cấp dịch vụ cho các công ty lớn.
Ba người đã chuyển đến Bay Area cùng với một nhóm nhân sự ít người vào năm 2015. Trải nghiệm làm việc cùng nhau đầu tiên của họ là cùng tham gia vào công ty thúc đẩy khởi nghiệp Y Combinator.
Phần lớn doanh thu GitLab đến từ bán các đăng ký cho các tập đoàn, chẳng hạn như UBS Group AG và T-Mobile Mỹ Inc. Chưa có lợi nhuận, công ty đã ghi nhận khoản lỗ ròng 192,2 triệu USD trong năm tài khóa 2021, tăng 47% so với một năm trước đó.
“Một số công ty nói về việc trở thành một gia đình", Sijbrandij viết trong bức thư của CEO: “Chúng tôi không nghĩ đó là quan điểm đúng đắn. Tại GitLab, mối quan hệ không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu là kết quả".
(Theo Bloomberg)